Chuyển đến nội dung chính
Trung Tâm Tiếng Nhật Mina Học Tiếng NhậtKinh nghiệm ôn thi JLPT hiệu quả

Kinh nghiệm ôn thi JLPT hiệu quả

          Mình là Thạch Thảo – hiện đang là giáo viên trung tâm Mina. Trải qua một vài năm làm việc tại đây, mình được chứng kiến rất nhiều cảm xúc, được lắng nghe rất nhiều những lo lắng băn khoăn của các bạn học viên mỗi khi đứng trước ngưỡng cửa kì thi năng lực tiếng Nhật JLPT. Và hôm nay, khi chỉ còn cách kì thi đầy cam go 2 tuần nữa thôi, mình xin phép được chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân và một số tips mà chúng ta có thể áp dụng trong kì thi này nhé.

          Như mọi người đã biết, bài thi JLPT sẽ gồm 4 phần:Từ vựng – Chữ Hán, Ngữ pháp, Đọc hiểu, Nghe hiểu. Mình sẽ không nói về hai phần đầu, vì mình nghĩ đó là phần thiên về trí nhớ hơn là tips. Duy chỉ có phần Ngữ pháp, mình nghĩ rằng chúng ta hãy coi “mỗi ngữ pháp” như “một từ vựng” và các bạn hãy học thật thuộc chúng nhé. Mình nhấn mạnh lại là “Học thuộc nhuần nhuyễn như một từ vựng”, vì thời gian làm Ngữ pháp của chúng ta nên tiết kiệm tối đa để dành công lực cho phần thứ 3 – phần Đọc hiểu nhé.

Đọc hiểu

Mình thường có chiến lược như sau:

Bước 1: Làm bài liên quan tới đọc poster/ lịch trình/… => tìm thông tin => trả lời câu hỏi

Mình đánh giá bài này không hề khó mà lại thang điểm lại cao. Nên nếu chúng ta để cuối giờ sẽ rất dễ vội vàng mà chọn sai. Thật đáng tiếc phải không nhỉ? Vậy nên hãy khởi động phần Đọc hiểu với bài này nhé, vừa không quá khó, vừa có cơ hội đạt trọn vẹn điểm cả 2 câu trong bài đọc.

Bước 2: Phần còn lại sẽ là các đoạn văn ngắn/ trung/ dài. Tuỳ từng đối tượng học viên mà mình sẽ hướng dẫn cách tiếp cận riêng

+ Nếu bạn có khả năng đọc nhanh (kĩ năng skim) tốt thì mình sẽ hướng các bạn ấy làm từ “bài văn dài”  trước rồi cuối cùng mới là “đoạn văn ngắn”. Vì sao lại thế? Vì nếu “bài văn dài” chiếm của các bạn ý nhiều thời gian thì trong những phút cuối giờ khả năng “đọc lướt” sẽ giúp các bạn ý vượt qua dễ dàng các bài đọc ngắn với 1 hoặc 2 câu hỏi ý chính. Nếu các bạn lo sợ về việc bắt não hoạt động ngay với bài đọc dài là quá sức thì đừng lo, thực ra não đã được khởi động với các câu ngữ pháp và bài đọc poster mà mình đã hướng dẫn ở bước 1 rồi đó.

+ Nếu ban chưa có khả năng đọc lướt thì mình sẽ hướng tới phương án chậm mà chắc. Thứ tự cơ bản vẫn sẽ là làm từ văn ngắn -> văn trung -> văn dài. Và kết hợp kĩ năng gạch chân keyword, đoán ý và không dịch chi tiết sẽ giúp các bạn đạt điểm đọc hiểu tốt đa trong khả năng cho phép.

Nghe hiểu

Đây là phần dễ bị điểm liệt nhất. Phần này mình sẽ không chia sẻ theo hướng chiến lược nữa vì trình tự nghe băng đã được quy định sẵn, nên mình sẽ chia sẻ một chút kinh nghiệm bản thân nhé:

Đừng lắng nghe câu ví dụ (例)

Chắc chắn bạn đã được luyện đề trước đi thi rồi phải không nhỉ. Vậy thì thời gian đó hãy lật nhanh các bài phía sau mà phương án trả lời có nhiều chữ viết, kèm theo đó đừng quên memo nhanh nghĩa tiếng Việt lên phía trên từ vựng. Hoặc đơn giản chỉ là tìm điểm khác nhau giữa các câu trả lời. Điều đó sẽ giúp bạn xác định được cần phải nghe cái gì, và cần phải loại trừ phương án nào một cách có hiệu quả đó.

Đừng mất tập trung vào một câu nào đó khó hiểu

Hãy cứ quên câu khó hiểu đi và tiếp tục bình tĩnh lắng nghe câu tiếp theo. Vì nếu bạn cứ nghĩ mãi về câu khó hiểu đó thì đồng nghĩa với việc chắc chắn đoạn sau bạn sẽ không nghe và không hiểu gì. Vì vậy mình khuyên các bạn hãy cứ bình tĩnh và bỏ qua những gì không hiểu nhé.

Đừng mải phân vân đáp án câu trước mà coi nhẹ các từ vựng trong câu hỏi kế sau (người đàn ông/người phụ nữ, phải làm gì trước/ sẽ làm gì sau,…)

Dĩ nhiên rồi, nếu bạn mải nghĩ về phương án câu hỏi trước mà không lấy lại tinh thần câu hỏi sau thì khả năng cao bạn sẽ bị “miss” mất chủ ngữ hoặc điều mà câu hỏi kế tiếp đang muốn tìm. Tất nhiên cuối đoạn hội thoại câu hỏi sẽ được nhắc lại, nhưng việc không xác định được mình cần tìm gì ngay từ đầu sẽ khiến khả năng phân tích và tìm thông tin của bạn giảm đi khá nhiều khi phải bơi trong 1 mớ thông tin mà đoạn băng cung cấp đấy.

Đừng quên memo những thông tin bạn nghe được ra giấy

Đôi khi có những câu hỏi mà chỉ chiếm 1 lượng nhỏ thông tin trong bài. Nếu không memo thì khả năng bạn quên mất sau khi kết thúc đoạn băng cũng không phải là ít đâu đó.

          Vậy thôi nhỉ, mình tin rằng các bạn cũng đã chuẩn bị cho mình kha khá hành trang để chinh phục JLPT rồi, nên phần chia sẻ phía trên của mình chỉ mang tính chất bổ sung theo quan điểm cá nhân thôi. Hi vọng qua bài viết này các bạn sẽ tìm ra được những chiến lược và tips của riêng mình để có thể vượt qua kì thi sắp tới nhé. Chúc các bạn thành công!

 

Bài viết liên quan